Châu Âu sẽ trở nên trong lành và đáng sống hơn sau đại dịch Covid?

Hoạt động kinh tế chậm lại, con người ít ra ngoài, chất lượng không khí ở Châu Âu và Trung Quốc đã được cải thiện. Nhìn theo một hướng tích cực thì Covid 19 như một khoảng thời gian để thế giới “nghỉ ngơi” và hồi phục bởi tình trạng ô nhiễm môi trường quá mức nghiêm trọng mà hành tinh này đang phải chịu đựng.

Dịch bệnh lan rộng khiến các chuyến bay được cắt giảm, người dân ở trong nhà và các nhà máy đều đóng cửa. Ô nhiễm không khí trên các khu vực ở Trung Quốc và châu Âu đã được cải thiện.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã phát hiện ra sự giảm ô nhiễm đáng kể bắt đầu từ giữa tháng 1 đến tháng 2. Việc giảm lượng khí NO2 đang được chú ý khắp châu Âu, đặc biệt là miền bắc Italy, nơi bắt đầu triển khai lệnh phong tỏa vào ngày 9 tháng 3.

Thành phố du lịch nhưng rất hiếm người qua lại

Bằng vệ tinh Copernicus Sentinel-5P, cơ quan Vũ trụ châu Âu ghi sự thay đổi tích cực rõ ràng của chất lượng không khí tại Ý – từ ngày 1/1 – 11/ 3.

Chia sẻ với SBS News, ông Josef Aschbacher, giám đốc chương trình quan sát Trái đất tại ESA cho biết: “Kể cả khi các yếu tố thời tiết được xem xét, việc sụt giảm ô nhiễm này vẫn khá bất ngờ. Sự sụt giảm ở Ý, đặc biệt là trên Thung lũng Po là bằng chứng quan trọng trong việc chứng minh tác động của lệnh phong tỏa từ COVID-19 có thể khiến môi trường tốt hơn.

Tôi tin rằng mức độ ô nhiễm sẽ tiếp tục giảm trong những ngày và tuần tới. Các quốc gia khác hiện đang áp dụng các biện pháp quyết liệt, chúng ta sẽ thấy ô nhiễm không khí giảm đáng kể trong thời gian tới”.

Sự thay đổi chất lượng không khí ở Ý

Cả Ts. Schofield và nhà khoa học khí hậu Michael Mann đều tin rằng những chuyển biến mạnh mẽ của môi trường trong thời gian qua có thể cho thế giới thấy cách chúng ta nên hành động để ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Trên mạng xã hội, nhiều cư dân cũng hào hứng khi thấy thiên nga đã bắt đầu bơi trên các con kênh ở Venice, vịt xuất hiện ở đài phun nước Rome… khi người dân Italy đều ở trong nhà tránh Covid-19. Ngày thường, những chiếc thuyền gỗ du lịch hay motorboat chạy ầm ầm xuôi ngược trên dòng nước khiến chúng rất hiếm khi xuất hiện ở đây.

Không chỉ thiên nga, nhiều đàn cá nhỏ cũng ồ ạt luồn lách vào những con kênh ở Venice. Phát ngôn viên của thị trưởng thành phố Luigi Brugnarocho biết chỉ số ô nhiễm nước tại đây chưa giảm đáng kể nhưng chất lượng không khí đã thay đổi nhiều. Không khí trong lành hơn cũng là điểm đáng hy vọng để cải thiện sức khoẻ con người trong mùa dịch bệnh.

Văn phòng thị trưởng cũng báo cáo thuyền bè ngừng hoạt động làm cho nước ở Venice trong xanh hơn, có thể nhìn thấy rong rêu dưới đáy. Trước đây, giao thông đường thuỷ đông đúc khiến cặn trầm tích dưới đáy thường xuyên bị xáo trộn và nổi lên mặt nước tạo nên màu đục ngầu.

Rất nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí là tác nhân lớn gây tử vong sớm ở con người. Vì vậy, một câu hỏi hiển nhiên được đặt ra là: Liệu có nhiều người được cứu sống nhờ giảm thiểu ô nhiễm không khí có thể vượt lên số người chết vì dịch bệnh từ virus COVID-19? Chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng rằng sau đợt đại dịch này, Châu Âu sẽ trở nên đáng sống và trong lành hơn nữa, ý thức bảo vệ môi trường chắc chắn cũng sẽ được nâng cao.

VBC tổng hợp (Nguồn: thanhnien, ttvn.toquoc.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *